Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Phần 2: Tác phẩm
Câu 1: Bố cục bản "Tuyên ngôn độc lập" gồm 3 phần
- Phần 1 (từ đầu đến không ai chối cãi được): cơ sở pháp lý và chính nghĩa.
- Phần 2 (tiếp đến phải được độc lập): tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
- Phần 3 (còn lại): lời tuyên bố độc lập của nhân dân ta.
Câu 2:
Việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1793) của cách mạng Pháp trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập là một cách viết rất cao tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại những ý nghĩa sâu sắc cho bản Tuyên ngôn được viết ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ.
Như chúng ta đã biết, đối tượng hướng tới của Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là đồng bào trong nước mà cả với thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm tái nô dịch đất nước ta. Trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp trong phần nêu nguyên lí mở đầu tác phẩm, một mặt, Bác đề cao truyền thống bình đẳng, nhân đạo, tư tưởng dân chủ tiến bộ của nhân dân hai nước Mĩ và Pháp lúc bấy giờ, mặt khác, lại có tác dụng ngăn chặn âm mưu xâm lược của chúng. Đồng thời, như thế cũng là cách Bác đặt cuộc cách mạng của nhân dân ta năm 1945 ngang hàng với cuộc cách mạng của Pháp và Mĩ, đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngang hàng với hai bản Tuyên ngôn của hai nước lớn đó, khẳng định về quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới. Đây là nghệ thuật dùng "gậy ông đập lưng ông" - ngón võ dân gian rất hiệu nghiệm của nhân dân ta mà Bác đã sử dụng thật tài tình trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn.
Câu 3: Bản Tuyên ngôn Độc lập đã lật tẩy bộ mặt tàn bạo, xảo quyệt của thực dân Pháp đối với nhân dân ta bằng lí lẽ và sự thật hùng hồn, không thể chối cãi được. (Phân tích đoạn 2 và đoạn 3).
- Thực dân Pháp đã kể công "khai hóa" thì bản Tuyên ngôn Độc lập kể tội ác "cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta" của chúng.
+ Dẫn chứng chọn lọc cụ thể, xác đáng, toàn diện ra tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế.
+ Lời văn ngắn gọn, hùng hồn chứa đựng nội dung kể tội ác đanh thép, sử dụng nhiều cách nói tu từ tăng sức truyền cảm (so sánh, cường điệu, dùng đồng nghĩa kép để khắc sâu hình ảnh đất nước "xơ xác, tiêu điều", nhân dân "nghèn nàn, thiếu thốn"…)
+ Điệp từ "chúng" đứng đầu hàng loạt tội ác, theo sự chất chồng tội ác là sự chất chứa căm thù đối với thực dân cướp nước. Hành động của chúng là "trái hẳn với đạo lí và chính nghĩa".
- Thực dân Pháp kể công "bảo hộ" thì bản Tuyên ngôn Độc lập lên án "trong năm năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật". Dẫn chứng là những bằng chứng lịch sử khiến kẻ thù không thể chối cãi.
+ Mùa thu 1940, Nhật xâm lượt Đông Dương thì Pháp đã "quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật". Cách dùng từ pha chút hài hước, mỉa mai của Bác đã vạch trần bản chất hèn nhát, vô trách nhiệm của thực dân Pháp đối với đất nước ta. Chính sự thỏa hiệp của chúng đã khiến nhân dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích.
+ Ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính, thực dân Pháp bỏ chạy, hoặc đầu hàng để nước ta rơi vào tay Nhật.
+ Chúng không đứng về phía nhân dân ta để chống Nhật mà còn "thẳng tay khủng bố Việt Minh", khi bỏ chạy còn nhẫn tâm giết số đông tù chính trị.
Hành động của chúng thật vô nhân đạo, làm sao chúng dám đối diện với nhân dân ta để tự xưng là người "bảo hộ" chúng ta.
- Chúng tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của chúng thì bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định Đông Dương đã trở thành thuộc địa của Nhật. Nhân dân ta đứng lên giành lại chính quyền độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Sức mạnh của sự thật và không có lí lẽ nào có sức thuyết phục cao hơn lí lẽ của sự thật. Hồ Chí Minh đã láy đi, láy lại hai chữ sự thật để tăng chính xác thực của lí lẽ và dẫn chứng.
Câu 4: Tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập" thể hiện phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn chính luận: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn.
- Ngắn gọn, giản dị, súc tích: cả một nội dung lớn diễn ra trong thời gian gần một thế kỉ nhưng tác giả đã cô đọng lại trong vài ba trang giấy.Từ ngữ mà Bác sử dụng đọc lên là hiểu ngay. Đối với những câu dài, có cấu trúc phức tạp, Bác vẫn tìm cách diễn đạt thật ngắn gọn. Có câu rất ngắn nhưng giàu ý tứ.
- Trong sáng:
+ Trong sáng ở việc dùng từ đặt câu, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực của tiếng Việt.
+ Trong sáng về tư tưởng tình cảm. Thái độ rõ ràng, yêu ghét phân minh trên lập trường chính nghĩa.
- Đanh thép, sắc sảo: là biểu hiện tính chiến đấu không khoan nhượng, thái độ dứt khoát thể hiện một bản lĩnh vững vàng, phi thường, sắc sảo ở trí tuệ, lối lập luận chặt chẽ, sắc bén.
Bản tuyên ngôn được viết với cách lập luận chặt chẽ. Người đưa ra những lí lẽ đanh thép, những bằng chứng hùng hồn không ai chối cãi được. Ngòi bút chính luận vừa hùng hồn vừa trữ tình; cách dùng từ, đặt câu hết sức linh hoạt, Tuyên ngôn Độc lập vừa có giá trị lịch sử lớn lao, vừa xứng đáng là áng văn thiên cổ hùng văn của thời đại.
Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn là rất to lớn. Ngày nay cả nước đang thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ biển đảo thân yêu như Bác hằng mong muốn.
II. Luyện tập
Bản Tuyên ngôn độc lập từ khi ra đời cho đến nay là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam vì đó là lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập ở Hồ Chí Minh. Tấm lòng đó đã truyền vào từng lời văn khi da diết, khi tự hào, khi hùng hồn đanh thép gây xúc động mạnh mẽ đối với người đọc.